Không khó để liệt kê nhiều loại hình du lịch mới đang phát triển mạnh hiện nay. Điển hình là các mô hình du lịch trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông, du lịch sinh thái ... Cùng với đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.
Cùng với các loại hình du lịch truyền thống, các loại hình du lịch mới đã và đang góp phần mang lại thu nhập, tạo việc làm, thúc đẩy lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống xã hội. Đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường, từ đó từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, còn “manh mún” và chưa có chiều sâu, thiếu bền vững, thiếu cách làm bài bản để thu hút và “níu chân” du khách. Nhiều hoạt động du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch kết nối. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch mới này còn chưa được chú trọng, thiếu sự phối hợp giữa các ngành. Nhìn chung, tình hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương cũng như của cả nước.
Chính vì vậy, để có các giải pháp và cách làm phù hợp, hiệu quả phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, trước hết cần có nhận thức đúng về khái niệm du lịch nông thôn gắn với việc phát huy các giá trị cảnh quan, văn hoá của nông thôn cho hoạt động du lịch. Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng có xu hướng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp phải cơ cấu lại, du lịch nông thôn cần phải được xem là một giải pháp để xây dựng NTM, không chỉ là một công cụ để xoá đói giảm nghèo, mà còn để đa dạng hoá thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống cũng như cảnh quan môi trường sinh thái.
Đồng thời, cần xem xét đến các yếu tố chính để phát triển du lịch nông thôn, trong đó cốt lõi là yếu tố cộng đồng và xây dựng bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng địa phương. Cần lấy hiệu quả kinh tế để đánh giá và tuân thủ các quy luật của thị trường với tư cách là một ngành kinh tế, mang lại các lợi ích kinh tế, gắn với các lợi ích về xã hội và môi trường.
Đặc biệt, cần phải xem sự tham gia của cộng đồng và người dân nông thôn với tư cách là chủ thể của du lịch nông thôn, đề cao vai trò của việc hình thành các chuỗi giá trị trong quá trình phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, cần phát huy vai trò của các bên liên quan như các công ty lữ hành, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội … Đồng thời cần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thông qua việc nâng cao giá trị và sự khác biệt của các sản phẩm hướng tới từng nhóm đối tượng du khách đặc thù.
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, phải xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là một giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; lấy lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương là trên hết, lấy văn hóa đặc trưng từng vùng, miền là nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn ở địa phương.
Đồng thời, các địa phương muốn phát triển du lịch nông thôn có chiều sâu và bền vững thì cần chủ động đánh giá tiềm năng và định hướng, quy hoạch, từ đó đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết vùng với các tour, tuyến, điểm du lịch đặc thù, độc đáo. Muốn vậy, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các hiệp hội du lịch, viện nghiên cứu và các thành phần liên quan.
Đối với những địa phương đã có tiềm năng rõ rệt để phát triển du lịch nông thôn, phải ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút được nhiều khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch. Việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch phải gắn liền thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng chịu tác động rủi ro.
Cuối cùng, để phát triển du lịch nông thôn thì phải thực sự chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua việc tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện. Đồng thời tăng cường kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tour, tuyến du lịch thu hút du khách nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch.